30 năm thu hút FDI, Thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương : Tác động tích cực đến phát triển kinh tế

 TTĐT - Thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương không ngừng phát triển đã tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


 

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế


Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, năm 1997, tỉnh Bình Dương được tái lập với cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp có tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng lúc bấy giờ giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu đô la Mỹ gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ, thu ngân sách đạt 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 24%.


Đến nay, tỉnh Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến năm 2017, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm có tỷ lệ tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% - 8,59%.


 


 


 


 


 


Thu hút đầu tư nước ngoài tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh


Ông Nguyễn Văn Dành – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Thời gian qua, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành công nghiệp. Với gần 82% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011 - 2016 khu vực doanh nghiệp FDI luôn đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI đạt 530.412 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011.


Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài đã thu hút các ngành nghề công nghiệp mới sử dụng công nghệ hiện đại và có tác dụng lan tỏa, tăng cường năng lực của nhiều ngành nghề khác. Trong giai đoạn 2011 - 2016, một số ngành công nghiệp như sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn; sản xuất đồ trang trí nội thất, đồ gỗ; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất, dược phẩm… đạt giá trị cao và có mức tăng mạnh mẽ.


Với nhiều dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn mức tăng trưởng công nghiệp chung của cả tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế


Theo báo cáo của Sở Công Thương, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh, cao hơn mức bình quân chung của các loại hình đầu tư trong nước, đóng góp quan trọng vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển từ nông sản và bán thành phẩm sang các sản phẩm công nghiệp và tinh chế. Nhờ có sự chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý từ các công ty nước ngoài, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu một số sản phẩm: Hàng điện tử, máy tính và linh kiện, sản phẩm da giày, hàng may mặc, sản phẩm gỗ, cơ khí chính xác… Thông qua mạng lưới tiêu thụ của các tập đoàn xuyên quốc gia, nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế.


Kim ngạch xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu

Đầu tư nước ngoài cũng góp phần đưa nền kinh tế nước ta từng bước hội nhập với kinh tế thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, góp phần vào việc thúc đẩy luật pháp Việt Nam được hoàn thiện dần từng bước, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập. Ngoài ra, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Nhiều công nghệ mới đã được nhập vào tỉnh như lắp ráp sản xuất ôtô, sản xuất tổng đài điện thoại kỹ thuật số, sản xuất cáp quang, dây chuyền tự động lắp ráp hàng điện tử. Phần lớn trang thiết bị có trình độ bằng hoặc cao hơn các thiết bị tiên tiến đã có trong nước, các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam, một số đạt tiêu chuẩn quốc tế.


Hơn 30 năm mở cửa nền kinh tế, dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về những cái được và chưa được của thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chính sách mở cửa để thu hút vốn đầu tư nước ngoài chính là một trong những quyết định sáng suốt nhất để Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Riêng tại Bình Dương, thực tế cho thấy, từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, qua gần 30 năm đổi mới và 20 năm phát triển, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới đã được xác định rõ tại Chương trình số 34-Ctr/TU ngày 15/12/2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 là sẽ tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, dự án nông nghiệp kỹ thuật cao, các dự án sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. 

Đăng bởi VÕ ĐỨC PHƯƠNG lúc lúc tháng 8 10, 2020 0 bình luận
Tags:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright © 2018. voducphuong.blogsport.com, Edit by voducphuong.blogsport.com